Tân Dịch là gì?
Tân dịch là toàn bộ hệ thống thủy dịch bình thường trong cơ thể, bao gồm chất dịch bên trong các tổ chức tạng phủ và các dịch tiết bình thường như dịch ở mắt, các xoang rỗng, các khiếu, dịch vị, dịch ruột, dịch khớp, mồ hôi và nước tiểu. Tân dịch được tạo thành từ chất tinh vi của thủy cốc hóa sinh nên và là vật chất dịch thể để tư dưỡng.
PHÂN BIỆT TÂN VÀ DỊCH:
– Tân: Là chất lỏng tương đối trong và loãng, có tính lưu động cao, phân bố chủ yếu ở da lông, cơ nhục và các khiếu. Tân thấm vào trong huyết mạch và có tác dụng nhu dưỡng.
– Dịch: Là chất lỏng tương đối đặc và đục, tính lưu động kém, thấm nhập vào các cơ quan như khớp, tạng phủ, não tủy. Dịch có tác dụng nhu dưỡng.
Tân và dịch có thể chuyển hóa lẫn nhau và trong bệnh lý cũng ảnh hưởng lẫn nhau, do đó thường gộp lại gọi là tân dịch.
NGUỒN GỐC CỦA TÂN DỊCH:
* Nguồn gốc: Tân dịch bắt nguồn từ đồ ăn uống, được hình thành thông qua chức năng tiêu hóa và hấp thu phần thủy dịch và chất dinh dưỡng của Tỳ Vị, Tiểu Trường và Đại Trường.
* Quá trình tạo thành:
– Vị: Là bể của thủy cốc, có chức năng thu nạp và làm nhừ thức ăn, nhờ tinh khí mà hấp thu chất tinh vi.
– Tỳ: Chủ thăng thanh, đưa cốc khí và tân dịch do Vị hấp thu lên Tâm Phế để phân bố toàn thân.
– Tiểu Trường: Chủ dịch, phân biệt thanh trọc, hấp thu phần lớn thủy dịch và chất dinh dưỡng đưa về Tỳ để phân bố toàn thân, đồng thời đưa sản phẩm trao đổi thủy dịch xuống Bàng Quang, phần trọc xuống Đại Trường.
– Đại Trường: Chủ tân, tiếp thụ chất cặn bã của thức ăn và phần thủy dịch còn lại từ Tiểu Trường, tiếp tục hấp thu phần thủy dịch, chất cặn bã còn lại hình thành phân và bài tiết ra ngoài.
PHÂN BỐ VÀ BÀI TIẾT TÂN DỊCH:
* Phân bố: Tân dịch được phân bố nhờ tác dụng tổng hợp của Tỳ, Phế, Thận, Can, Tâm và Tam Tiêu.
– Tỳ: Vận hóa chất tinh vi của thủy cốc, phân bố tân dịch lên Phế và toàn thân.
– Phế: Chủ hành thủy, thông điều thủy đạo, tuyên phát tân dịch lên phần biểu và nửa trên cơ thể, túc giáng tân dịch xuống Thận và Bàng Quang.
– Thận: Chủ đạo trong quá trình phân bố tân dịch, khí hóa chưng cất tân dịch, phân biệt thanh trọc, đưa phần dịch trọc xuống Bàng Quang và bài xuất ra ngoài.
– Can: Sơ tiết điều đạt khí cơ, thúc đẩy tân dịch phân bố tuần hoàn.
– Tâm: Chủ huyết mạch toàn thân, động lực cho sự vận hành của huyết dịch và tân dịch.
– Tam Tiêu: Thông điều thủy đạo và phân bố tân dịch trong cơ thể.
* Bài tiết:
– Mồ hôi và khí hô hấp: Phế tuyên phát tân dịch ra phần biểu, tạo thành mồ hôi, một phần tân dịch được bài xuất qua hô hấp.
– Nước tiểu: Sản phẩm chuyển hóa cuối cùng của tân dịch, được hình thành bởi Thận và bài xuất qua Bàng Quang.
– Phân: Chất cặn bã của thức ăn, trong đó có một lượng tân dịch nhất định, khi đại tiện phân lỏng tức là lượng thủy dịch bài xuất nhiều.
CHỨC NĂNG CỦA TÂN DỊCH:
– Tư nhuận nhu dưỡng: Tân dịch có tác dụng làm ẩm và nuôi dưỡng cơ thể, da lông, cơ bắp, tạng phủ, các khiếu và khớp.
– Hóa sinh huyết dịch:Tân dịch tham gia vào quá trình sinh huyết và làm cho huyết dịch lưu thông trơn tru.
– Điều tiết âm dương: Tân dịch giúp điều tiết cân bằng âm dương trong cơ thể.
– Bài tiết chất cặn bã: Tân dịch giúp bài tiết các sản phẩm trao đổi chất qua mồ hôi, nước tiểu và phân.
NGŨ TẠNG HÓA DỊCH:
Ngũ tạng (Tâm, Phế, Tỳ, Can, Thận) hóa sinh ra ngũ dịch (mồ hôi, nước mũi, nước mắt, nước dãi, nước bọt) có tác dụng nhu dưỡng và điều tiết cơ thể.
KẾT LUẬN
Tân dịch là hệ thống thủy dịch quan trọng trong cơ thể, giúp duy trì các chức năng sinh lý và sự sống. Sự cân bằng và phân bố hợp lý của tân dịch là yếu tố then chốt để duy trì sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.
Sưu Tầm (Trần Trung)